Những câu hỏi về chủ đề ung thư thường gặp
Hiện nay, tỉ lệ mắc ung thư trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tăng lên một cách nhanh chóng. Ung thư không chỉ là một bệnh mà là nhiều bệnh. Thống kê cho thấy, có hơn 200 loại ung thư khác nhau trên cơ thể. Dưới đây là phần tổng hợp các câu hỏi thường gặp về căn bệnh này mà rất nhiều bệnh nhân và người nhà quan tâm.
Hỏi: Thưa bác sĩ, bệnh ung thư có yếu tố di truyền không? Nếu có thì thường ở những bệnh ung thư nào? Làm cách nào để phòng ngừa các bệnh này? (Đoàn Anh, Đà Nẵng).
Trả lời: Phải phân biệt di truyền và gia truyền. Ung thư nào cũng do sự xáo trộn gien hay yếu tố di truyền, nhưng các ung thư truyền từ cha mẹ sang con cái mới là gia truyền (chiếm 10%). Có vài loại ung thư gia truyền như: ung thư vú, ruột già, tuyến giáp, ung thư mắt của trẻ em... nhưng đừng quá sợ, vì CÓ loại bệnh rất hiếm như đa pôlýp gia đình mới gây ung thư ruột, hay ung thư dạng tủy của tuyến giáp chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Hiện không phòng ngừa được ung thư gia truyền, nhưng có thể lưu tâm khám sức khỏe định kỳ và biết cách và tìm khi bệnh chưa Có triệu chứng hoặc lưu ý các triệu chứng báo động.
Hỏi: Người đang mang thai có được tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung không? (Thu Huyền, Hải Phòng)
Trả lời: Tiêm phòng vắc-xin ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất đối với bạn nữ từ 9 - 26 tuổi, chưa có quan hệ tình dục. Những phụ nữ đã có gia đình hoặc vẫn trong độ tuổi tiêm phòng thì vắc-xin vẫn có tác dụng đối với nhóm đối tượng này. Người đang mang bầu không được phép tiêm phòng loại vắc xin này, nhưng nếu muốn tiêm để phòng ngừa thì sau khi sinh vẫn có thể tiêm được, tuy nhiên nhớ phải tiêm đủ 3 mũi.
Hỏi: Bị ung thư vú không được ăn các sản phẩm làm từ đậu nành phải không? Trên một số tờ báo mạng có đăng bài như thế. (Đỗ Quyên, Hà Nội)
Trả lời: Các nghiên cứu trước đây cho thấy, đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành có chứa isoflavone - là. chất giống như estrogen có thể làm ung thư vú phát triển. Nhưng isoflavone cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy, đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú, nhất là bệnh nhân châu Á như chúng ta. Bạn có thể yên tâm uống sữa đậu nành và ăn đậu hũ nếu thích.
Hỏi: Bác sĩ tuyến cơ sở có đủ trình độ chẩn đoán ung thư không? (Huy Toàn, Tuyên Quang)
Trả lời: Mặc dù để chẩn đoán chắc chắn một bệnh ung thư cần phải có nhiều kỹ năng và xét nghiệm đặc biệt nhưng bất cứ bác sĩ nào cũng có thể khám và phát hiện các triệu chứng của bệnh. Do vậy, tốt nhất là đi khám ở tuyến cơ sở trước và nếu cần làm các xét nghiệm cao cấp thì bác sĩ sẽ giới thiệu lên tuyến trên.
Hỏi: Em muốn hỏi việc tạo hình vú cho phụ nữ bị ung thư và bị cắt vú hiện giờ đã thực hiện được ở Việt Nam chưa hay nhất thiết phải ra nước ngoài? (Thu Lan, Hải Phòng)
Trả lời: Tạo hình vú cho phụ nữ bị ung thư đã bị cắt vú hoàn toàn có thể thực hiện được ở Việt Nam. Xin lưu ý là những bệnh nhân ung thư vú sau 5 năm điều trị không bị tái phát hoặc di căn mới đủ điều kiện tạo hình phẫu thuật và sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần tái khám và theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các bất thường.
Hỏi: Chị tôi lấy chồng đã 5 năm nhưng chưa có con. Chị đi khám bệnh thì được bác sĩ cho biết là bị ung thư cổ tử cung, tháng 10 này sẽ tiến hành mổ. Vậy cho tôi hỏi là sau khi mổ xong chị ấy có thể có con hay không? (Sao Băng, Hà Nội)
Trả lời: Khi bị ung thư cổ tử cung, tùy theo giai đoạn của bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Nếu ung thư giai đoạn sớm, điều trị sẽ đơn giản (có thể chỉ cắt bỏ cổ tử cung hoặc cắt một phần cổ tử cung) thì chị của bạn vẫn có thể mang thai sau khi điều trị. Nhưng nếu ung thư giai đoạn trễ, điều trị triệt để phải cắt bỏ tử cung và xạ trị hô trợ, như vậy, người phụ nữ không thể có thai sau điều trị.
Hỏi: Khi bị ung thư, ăn uống đầy đủ có làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn không? Hiện có những loại thức ăn riêng biệt nào an toàn dành riêng các bệnh nhân ung thư đang điều trị không? (Lê Hoài Anh, Hà Nội)
Trả lời: Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh rằng người bệnh ung thư đang điều trị nếu ăn uống đầy đủ thì khối u sẽ phát triển nhanh hơn. Ngược lại, ở người bệnh ung thư, khi thể trạng sút giảm: sụt cân, suy dinh dưỡng thì người bệnh sẽ giảm đáp ứng với điều trị, tăng biến chứng nhiễm trùng, dẫn đến suy kiệt rồi tử vong. Vì vậy, điều cơ bản trước tiên trong một phác đồ điều trị ung thư là liệu pháp dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nếu tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân không cải thiện thì bác sĩ sẽ không thực hiện được phác đồ điều trị hoặc kết quả điều trị sẽ thất bại vì bệnh nhân không đủ sức để chịu đựng các tác dụng phụ của điều trị. Do đó nên hiểu rằng, dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng đỡ hệ miễn dịch cơ thể, cải thiện chất lượng sống và góp phần điều trị thành công bệnh.